“Em là ngư dân
Trên biển sâu kéo lưới
Nước da em thơm mùi biển mặn
Những bắp thịt em cuộn tròn dưới nắng.
Tôi là con cá thu
Vảy vi lấp lánh
Giãy giụa tuyệt vọng
Cùng với hàng ngàn con cá khác
Trong lòng lưới em căng
Tôi nằm hấp hối
Trên mạn thuyền
Em phải giết tôi
Vì mạng sống của em.
Em cũng là người thiếu phụ
Ở ngoài chợ xách giỏ đứng nhìn
Tôi đã chết rồi
Nhưng mắt tôi chưa nhắm
Thịt tôi còn tươi lắm
Mang tôi vẫn còn đỏ hồng
Em mang tôi về
Chặt tôi ra thành nhiều mảnh
Bỏ vô nồi,
Buổi cơm chiều ấm áp mùa đông.
Có tôi, em và các con em có mâm cơm nóng
Dưới mái tranh mọi người ấm bụng
Còn ai nhận được ra tôi nữa
Khi sắc – không ẩn hiện quay vòng.
Một trăm ngàn kiếp làm thân con cá biển cá sông
Tôi đã vào ra bơi lội thong dong
Nhà cửa không gian có khi đẹp hơn là bích ngọc
Thế giới tôi có đầy đủ màu xanh, màu đỏ, màu hồng
Và tôi đã học thuộc lòng
Bài học bỉ thử bất nhị
Bài học dung thông
Để mỗi khi sa vào lưới
Được chết thong dong
Không hận thù, không tuyệt vọng
Bởi vì tôi biết
Sự sống làm bằng sự chết
Cái có làm bằng cái không
Mọi loài tương tức
Tôi và em dung thông.”
(Bài thơ Con cá dung thông – Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một ví dụ cho sự tương tức trong đời sống hằng ngày, lời tâm sự giữa người và cá)
Những lời thầm thì của người dành cho loài vật nuôi sống cơ thể. Đó là sự quán chiếu sâu sắc, để nhận ra rằng: Không có gì là tồn tại riêng lẻ, tất cả đều tương tức – trong nhau…
Để có trải nghiệm về sự quan sát sâu sắc, hãy thực hành thiền.
Trải nghiệm thiền cho ta cái nhìn về tổng thể, về sự thật, về chính mình.
Có thể từ đối tượng dễ quan sát nhất là sự phồng xẹp của bụng. Rồi ta quan sát đến nơi ngực trái – con tim đang đập. Ta cũng có thể bắt đầu thực hành quan sát những khu vực khác như vùng trán, đỉnh đầu. Để rồi, tiến dần đến với đối tượng khó nhận biết hơn, chính là “hơi thở”.
Trong hạnh phúc luôn tồn tại khổ đau. Trong khổ đau cũng luôn tồn tại hạnh phúc. Nếu ta không có trải nghiệm khổ đau, ta không biết thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc và khổ đau chính là bài học, ta chỉ đang trải nghiệm bài học mà thôi.
Từ tương tức là một từ ghép, nghĩa là có trong nhau, là nhau. Interbeing là một từ mới trong tiếng Anh. Chúng ta đã nói về cái tất cả trong cái một và cái một chứa đựng cái tất cả. Nhìn vào tờ giấy ta thấy mọi thứ như mây, rừng, người tiều phu… Vì có tôi đây nên có anh đó. Vì có anh đó nên có tôi đây. Đó là ý nghĩa của Tương tức. Chúng ta có trong nhau, là nhau, tương tức nhau.
Quan sát, là bước đầu tiên để nhận diện “sự thật”.
Hành giả thấy khi tác động vào những gì ngoài ta, ta cũng tác động vào ta; cũng thế, làm hại bất kỳ một sự vật nào ngoài ta là làm hại chính mình. Quán chiếu sâu, hành giả vượt thoát ý niệm, tiếp xúc với sự thật tuyệt đối, với chân như, thấy biết đau khổ của người khác là đau khổ của chính mình; xoa dịu đau khổ cho người khác là tích cực xoa dịu đau khổ cho mình. Vượt qua khổ đau, hành giả tiếp xúc với những gì mầu nhiệm.
“Tiếp xúc với đau khổ chưa đủ, phải tiếp xúc với những mầu nhiệm, lành mạnh. … trong truyền thống Nam tông, người ta nói nhiều quá về đau khổ (dukkham)… đạo Bụt Bắc tông, đạo Bụt Đại thừa, … đã chỉ cho chúng ta tiếp xúc với những gì mang lại hạnh phúc (sukham). Do đó, … chúng ta thấy có các thiền sư làm thơ ca ngợi hoa vàng, trúc biếc… Họ ca ngợi pháp thân bất diệt, nghĩa là họ nói tới chân như duyên khởi chứ không phải chỉ nói tới vô minh duyên khởi. Chân như duyên khởi luôn luôn biểu hiện ra những gì tươi đẹp”.
Với khái niệm tương tức, pháp môn Làng Mai đang dựng lên một pháp giới thanh tịnh tại đây và ngay bây giờ. Quán chiếu tương tức, hành giả nhận biết nhất thiết duy tâm tạo. Đau khổ hay hạnh phúc hoàn toàn tùy thuộc vào tâm mình, mặc cho thế giới hiện tượng như thế nào.
Nếu cảm nhận hạnh phúc, ta đóng góp vào hạnh phúc cộng đồng.
Nếu cảm nhận đau khổ, ta gieo thêm đau khổ cho người khác và chính ta đau khổ hơn.
Dù bạn đang thực hành pháp môn thiền nào, hãy biết rằng: chúng ta luôn có trong nhau.
Những pháp môn – không phải để tách biệt. Mà là để hướng về một sự thật cuối cùng: Chúng ta là Một !